Vốn hóa thị trường (Market Capitalization) là gì? Đó là tổng giá trị hiện tại của tất cả các cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của một doanh nghiệp. Để dễ hình dung, chúng ta có thể hiểu vốn hóa của một DN chính là tổng số tiền cần phải bỏ ra để mua toàn bộ DN tính theo thị giá cổ phiếu của DN đó tại thời điểm mua.
Công thức tính giá trị vốn hóa thị trường
Giá trị vốn hóa của một doanh nghiệp được xác định như sau:
Vốn hóa thị trường (đồng) = Số lượng cổ phiếu đang lưu hành x Thị giá một cổ phiếu (đồng/cổ phiếu)
Cổ phiếu đang lưu hành là những cổ phiếu của doanh nghiệp do các cổ đông của nó nắm giữ.
Khi giá cổ phiếu của một doanh nghiệp tăng lên. Hệ quả là giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp đó tăng lên.

Ý nghĩa của vốn hóa thị trường
Vốn hóa thị trường là yếu tố rất quan trọng khi đánh giá một doanh nghiệp. Giá trị này sẽ vừa thể hiện được quy mô hoạt động (thông qua số lượng cổ phiếu lưu hành), vừa biểu hiện sự đánh giá của thị trường đối với DN về tiềm năng tăng trưởng, vị thế và uy tín trong ngành (thông qua thị giá cổ phiếu).
Ngoài ra, DN có giá trị vốn hóa thị trường lớn sẽ hạn chế một phần rủi ro thanh khoản của cổ phiếu đang lưu hành. Vốn hóa thị trường một DN thông thường sẽ tỷ lệ thuận với độ tin cậy, uy tín. Và tỷ lệ nghịch với mức độ rủi ro khi đầu tư vào DN đó. Từ đây, nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu có mức vốn hóa khác nhau nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư để phân tán rủi ro, tối ưu khoản lợi nhuận thu về.
Từ công thức, có thể thấy rõ vốn hóa thị trường phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành và thị giá của cổ phiếu. Trong đó, thị giá cổ phiếu chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Không chỉ từ phía nội tại DN mà còn các vấn đề vĩ mô, lãi suất, lạm phát, sự kiện xã hội… Số lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng sẽ có sự thay đổi theo thời gian. Tùy thuộc DN có phát hành thêm cổ phiếu mới hoặc mua vào cổ phiếu quỹ. Do vậy, vốn hóa thị trường sẽ có tính thời điểm, biến động tăng giảm liên tục chứ không cố định và phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị thực sự của DN đó.
Ứng dụng của vốn hóa thị trường
Vốn hóa thị trường được ứng dụng trong rất nhiều vấn đề. Đáng kể nhất là trong việc đánh giá Quy mô của một doanh nghiệp. So sánh DN này với DN khác. Và đôi khi chính nó cũng có ảnh hưởng tới việc ra quyết định mua bán cổ phiếu của các nhà đầu tư hay Quỹ Đầu tư. Có rất nhiều các quỹ đặt ra quy tắc DN cần có vốn hóa thị trường bao nhiêu trở lên mới nghiên cứu để đầu tư. Và có cả các chiến lược đầu tư dựa trên vốn hóa thị trường là trọng yếu.
Ngoài ra, nó còn được ứng dụng mạnh mẽ trong việc Định giá Doanh nghiệp. Bằng cách so sánh tỷ lệ Vốn hóa Thị trường với Tổng tài sản thực tế của DN, hay Lợi nhuận DN đó đang làm ra. Vốn hóa Thị trường còn được dùng để tính biến động tăng giảm của các chỉ số VN-Index, HNX-Index, VN30, …
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (tính đến 30/11/2021)
Số lượng DN niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường hiện là 2.182 DN. Tổng khối lượng chứng khoán là 198,42 tỷ chứng khoán.
- Vốn hóa sàn HOSE: 5.752.833 tỷ đồng.
- Vốn hóa sàn HNX: 485.991 tỷ đồng.
- Vốn hóa sàn UPCOM: 1.451.292 tỷ đồng.
- Vốn hóa thị trường TPCP/TPDN: 1.503.002 tỷ đồng.
Tổng cộng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến hết tháng 11/2021 là 9.193.118 tỷ đồng = 147,97% GDP. Tăng 37,63% so với năm trước. (Nguồn UBCKNN).
Những sai lầm thường gặp khi tìm hiểu về vốn hóa thị trường
Mặc dù vốn hóa thị trường là giá trị thị trường của cổ phiếu đang lưu hành của một doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng là phải chỉ ra rằng nó không thực sự đo lường giá trị vốn chủ sở hữu của DN đó. Nó chỉ đơn giản là phản ánh tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành của DN.
Cổ phiếu thường được thị trường định giá cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thực. Có nghĩa là giá thị trường chỉ xác định mức độ mà thị trường sẵn sàng trả cho cổ phiếu đó. Nhưng điều này không xác định số tiền mà DN nào đó sẽ phải trả để có được một giao dịch sáp nhập. Một phương pháp tốt hơn nhiều để tính giá của việc mua lại hoàn toàn một DN là giá trị DN. Nhà đầu tư nào làm tốt việc xác định giá trị thực của DN ở thời điểm hiện tại, sẽ biết được thị giá của cổ phiếu nào đang cao hơn hay thấp hơn giá trị thực để đưa ra quyết định đầu tư chính xác giúp tối ưu lợi nhuận.
Trên đây chúng tôi đã giúp các nhà đầu tư hiểu được “Vốn hóa thị trường là gì?”. Dựa trên quy mô vốn hóa doanh nghiệp sẽ có sự phân loại cổ phiếu mà các nhà đầu tư cũng cần biết. Mời quý vị xem thêm bài viết: Cổ phiếu Bluechip, Penny, Midcap là gì?
Nếu chưa có tài khoản, bạn hãy mở tài khoản chứng khoán VPS tại đây để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất nhé!